5 thảm họa núi lửa phun trào khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại

Trong hàng loạt thảm họa thiên nhiên gây ra trong lịch sử, núi lửa phun trào có thể coi là khủng khiếp bậc nhất đối với con người.

Theo dõi KTMT trên

Trong hàng loạt thảm họa thiên nhiên gây ra trong lịch sử, núi lửa phun trào có thể coi là khủng khiếp bậc nhất đối với con người. Dưới đây là 5 sự kiện núi lửa phun trào có sức tàn phá lớn nhất.

Núi lửa Tambora (1815)

Với sức công phá khoảng 800 triệu tấn TNT, vụ núi lửa Tambora phun trào ngày 10/4/1815 tại Sumbawa, Indonesia là vụ nổ gây chấn động lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Tambora là một núi lửa trên đảo Sumbawa, Indonesia. Ngọn núi lửa này có độ cao 2.772 m so với mặt nước biển. Tambora phun trào năm 1815 được đánh dấu là lần phun trào núi lửa mạnh nhất trong lịch sử hiện đại.

Núi Tambora xếp đầu tiên trong danh sách những ngọn núi lửa nguy hiểm nhất thế giới thật không ngoa. Lần phun trào ấy, người ta có thể thấy những cột khói phun trào cao gấp 3 lần thảm họa St.Helens năm 1980. 10.000 người đã thiệt mạng dưới dòng dung nham nóng bỏng. 

5 thảm họa núi lửa phun trào khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại - Ảnh 1
Tambora phun trào năm 1815 được đánh dấu là lần phun trào núi lửa mạnh nhất trong lịch sử hiện đại. (Ảnh minh họa)

Cùng với đó là sự biến mất của một nền văn minh nhỏ xung quanh khu vực núi lửa phun trào. Sau thảm họa, mùa màng và môi trường bị phá hủy, con số người chết vì thiếu lương thực lên tới 82.000 người.

Những cột khói của Tambora lọt vào bầu khí quyển, tăng sự phản xạ ánh sáng mặt trời từ Trái Đất, khiến nhiều nơi không nhận đủ nhiệt. Đây chính là thủ phạm khiến cả châu Âu chìm trong một mùa đông lạnh giá chưa từng có. 

Thậm chí, dòng sông Pennsylvania còn đóng băng giữa tháng 8 mùa hè. Vì thế, người ta đã gọi năm 1816 định mệnh ấy là “năm không có mùa hè”. 

Thảm kịch Krakatoa (1883)

Vào năm 1883, một ngọn núi lửa trên đảo Krakatoa tỉnh giấc với sức mạnh gấp 13.000 lần một quả bom nguyên tử. 

Khi núi lửa thải đá sỏi trong lòng nó vào trong không trung, khoang trong lòng núi trở nên trống rỗng và cuối cùng, khi không còn gì chống đỡ nó, lớp đá trên cùng của hàm núi lửa sụp xuống.

Ngọn núi lửa sau đó sụt xuống 250 mét dưới mực nước biển, và 2/3 hòn đảo cũng sụt xuống sau đó.

5 thảm họa núi lửa phun trào khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại - Ảnh 2
Ngọn núi lửa trên đảo Krakatoa tỉnh giấc với sức mạnh gấp 13.000 lần một quả bom nguyên tử. 

Vài trăm người trong một thị trấn trên đảo Sumatra gần đó chết gần như ngay lập tức khi những đám tro đỏ rực đốt cháy nhà của họ. Hoạt động của núi lửa Krakatoa gây nên những cơn siêu sóng thần và chúng cuốn người dân ra biển. Khoảng 36.000 người thiệt mạng vì thảm họa, còn đảo Krakatoa chìm xuống đáy đại dương.

Tuy nhiên, vào năm 1927 các nhà thám hiểm nhìn thấy một hòn đảo mới mọc lên tại vị trí của đảo Krakatoa. Người ta gọi nó là Anak Krakatoa (con của Krakatoa). Ngày nay Anak Krakatoa vẫn phun dung nham vào không khí.

Laki phun khí độc (1783)

Núi lửa Laki bắt đầu phun trào vào năm 1783. Nó đã phun nham thạch và khí độc trong suốt 8 tháng.

Chất sulphur dioxide đã gây ra mưa axít tàn phá cây cối và khí fluor đọng lại trên cỏ, cuối cùng đã giết chết 60% gia súc. Hơn 1/5 dân số Băng Đảo, tức là vào khoảng 10.000 người, đã chết vì đói và bệnh tật.

Tuy nhiên, sự tàn phá của núi lửa Laki vượt xa khỏi phạm vi của "hòn đảo băng và lửa".

Khói mù khí sulphur nhanh chóng bay đến châu Âu, làm thiệt hại mùa màng và che các tia nắng mặt trời, dẫn đến nhiệt độ trở nên lạnh hơn.

Ngay cả ở Alaska, nhiệt độ vào mùa hè đã thấp hơn 4 độ C so với ngưỡng thông thường và các thương gia người Nga đã để ý thấy tình trạng sụt giảm dân số của người Inuit.

Mặc dù con số tử vong cuối cùng của vụ phun trào Laki gần như không thể ước tính, núi lửa này chắc chắn được nhìn nhận là một trong những núi lửa chết chóc nhất trên thế giới.

Núi Pelée (1902)

Nằm trên đảo Martinique trong biển Caribbe và có độ cao 1.463 m, Pelée phun trào dữ dội vào tháng 5/1902, giết chết gần 30.000 người tại thành phố cảng St. Pierre trên đảo. Thảm họa khủng khiếp đến nỗi từ “pelean” - được dùng để mô tả loại bụi, khí và mây bụi của núi lửa Pelée - trở thành một thuật ngữ chuyên ngành về núi lửa.

5 thảm họa núi lửa phun trào khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại - Ảnh 3
Thảm họa khủng khiếp đến nỗi từ “pelean” - được dùng để mô tả loại bụi, khí và mây bụi của núi lửa Peleé - trở thành một thuật ngữ chuyên ngành về núi lửa.

Trước khi Pelée phun trào, nhiều người nhìn thấy hơi nước, bụi và tia chớp trên miệng nó, song những dấu hiệu báo trước đó đều bị phớt lờ. Sau khi hầu hết thành phố St. Pierre bị hủy diệt, Pelée ngủ yên trong vài tháng. Song chẳng bao lâu sau các nhà địa chất phát hiện một hồ dung nham ngầm dâng lên độ cao 300 m từ đáy miệng núi lửa. 

Núi Ruiz - phiên bản thứ 2 của thảm họa Pompeii (1985)

Thảm họa này diễn ra gần đây nhất, chỉ khoảng gần 40 năm về trước tại Colombia. Nó được coi là phiên bản thảm họa Pompeii hiện đại khi phá hủy trọn vẹn thành phố Amero. Sức mạnh của núi lửa này không phải là sự phun trào mà nằm ở chính dòng siêu mắc ma gây ra. Theo ước tính, chúng di chuyển với tốc độ 480 km/h và chỉ mất 15 phút để nhấn chìm thành phố. 

5 thảm họa núi lửa phun trào khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại - Ảnh 4
Sức mạnh của núi lửa này không phải là sự phun trào mà nằm ở chính dòng siêu mắc ma gây ra.

Khi phun trào, trong lòng núi lửa phun ra một mớ hỗn độn đá và tro bụi tan chảy, vốn tự thân không ảnh hưởng đến thị trấn. Tuy nhiên, những vật chất nóng chảy này làm tan chảy khối băng và khiến cho một hỗn hợp băng và nước đổ ào ạt xuống núi với tốc độ 50 km một giờ.

Những khối đất lở này được tiếp thêm tro, đá và vật chất núi lửa để tạo thành những dòng chảy các mảnh vỡ và những dòng chảy này chạy vào những dòng sông lớn ở chân núi lửa.

Ở Armero, dòng chảy núi lửa đã giết chết trên 20.000 người trong tổng số gần 29.000 dân của thị trấn. Các nhà khoa học trước đó đã cảnh báo lũ bùn có thể tàn phá thị trấn, nhưng người dân lại không di tản.

Linh Chi (t/h)

Admin

Link nội dung: https://craftbg.eu/5-tham-hoa-nui-lua-phun-trao-khung-khiep-nhat-lich-su-nhan-loai-1736185508-a3660.html