Với mọi người dân Việt Nam, cứ vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, trong nhà mà không có sự xuất hiện của bánh chưng thì chắc hẳn sẽ thiếu đi cả cái không khí Tết. Vào những ngày giáp Tết, những gia đình Việt thường có phong tục quây quần bên nhau cùng gói bánh chưng như duy trì một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời.
Ý nghĩa bánh chưng trong ngày Tết truyền thống của người Việt
Theo quan niệm từ xa xưa, những chiếc bánh chưng của người Việt với hình vuông, tượng trưng cho đất. Nguyên liệu dùng để làm bánh chưng rất đơn giản và gần gũi dễ kiếm. Phần vỏ bánh chưng được làm từ gạo nếp dẻo thơm trắng ngần cùng với phần nhân là thịt mỡ, đậu xanh, tiêu… Tất cả được bọc bên trong lớp lá dong xanh mướt và buộc chặt bằng những sợi lạt mềm dẻo để tạo nên những chiếc bánh hình vuông đẹp mắt.
Từ xa xưa, người Việt Nam ta đã sống trong nền văn hóa lúa nước, phải phụ thuộc thiên nhiên rất nhiều. Chính vì thế mà hình ảnh những chiếc bánh chưng trong mâm cỗ ngày Tết với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn tới trời đất đã cho một năm mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, mang lại một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Không chỉ thế, bánh chưng ngày Tết còn được bày lên trên bàn thờ cúng để bày tỏ lòng hiếu kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên cùng những người đã khuất.
Bánh chưng cũng là một trong những món quà biếu tặng ngày Tết đầy ý nghĩa mà người Việt thường dùng để đi dành tặng cho những thân người quen, họ hàng hoặc được bày cùng các loại hoa quả khác trên mâm ngũ quả ngày Tết để tượng trưng cho sự tương sinh tương khắc trong ngũ hành.
Người ta từng nói thấy bánh chưng là thấy Tết! Vì vậy dù bất cứ ở nơi đâu, làm gì thì những người con Việt vẫn luôn mong ngóng được trở về nhà, quây quần sum vầy bên gia đình, cùng nhau học cách gói bánh chưng hay ngồi canh nồi bánh sôi sục, nóng hổi trên bếp lửa hồng để cảm nhận không khí Tết đang đến gần. Cùng tỉ tê kể cho nhau nghe những câu chuyện xưa cũ rồi hít hà hương thơm lừng của bánh chưng – Hương vị Tết không thể hoà lẫn vào đâu được.
Bánh chưng và nguồn gốc ra đời
Trong tâm thức của những người Việt và được sử sách truyền lại cho đời con cháu sau này, bánh chưng được bắt nguồn từ truyền thuyết Lang Liêu và gắn liền với sự tích “Bánh chưng bánh dày”.
Ngày xưa, vào đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp được giặc Ân, đất nước trở nên thái bình. Vua muốn truyền ngôi lại cho một người con bèn bảo rằng: “Ai tìm được món ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”.
Trong khi những hoàng tử khác đua nhau đi tìm của ngon, vật lạ ở khắp nơi thì chỉ có mình Lang Liêu, người con trai thứ 18 của Hùng Vương với tính tình hiền hậu, đạo đức sống hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ nên lo lắng không biết chuẩn bị đồ như thế nào.
Một hôm, Lang Liêu nằm mơ thấy có một thần nhân bảo rằng: “Trong trời đất không có vật gì quý bằng hạt gạo, vì gạo là vật để nuôi sống con người. Con hãy giã gạo nếp gói thành hình tròn để tượng trưng cho Trời và lấy lá gói gạo lại tạo thành hình vuông để tượng trưng cho Đất. Ở trong làm nhân ngon, bắt chước hình ảnh trời đất bao trọn lấy vạn vật, ngụ ý cho công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ. Như vậy thì lòng cha sẽ vui, nhà ngươi chắc sẽ được ngôi quý”.
Khi tỉnh dậy, Lang Liêu mừng rỡ thực hiện đúng như những lời được chỉ bảo trong giấc mơ. Chàng lựa những hạt nếp thơm ngon, trắng ngần đem vo cho sạch, bỏ nhân ngon vào giữa rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông đẹp mắt, đem luộc chín tượng trưng cho Đất, gọi là bánh chưng. Tiếp đó, Lang Liêu lấy nếp đem đi nấu thành xôi rồi giã cho nhuyễn mịn, nặn thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, đó là bánh dày.
Đến đúng kỳ hạn, Vua tụ họp tất cả các con lại để mang lễ vật đến dâng cúng Tổ tiên. Giữa đủ những món sơn hào hải vị, Vua Hùng chỉ hài lòng với món bánh chưng và bánh dày mà Lang Liêu đem tới và quyết định truyền ngôi cho chàng. Từ đó về sau, hàng năm cứ vào mỗi dịp giỗ Tổ Vua Hùng và vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, người dân lại cùng nhau làm bánh chưng bánh dày để tưởng nhớ công ơn vua Hùng và bày tỏ lòng thành đến với Tổ tiên.
Xem thêm: Bánh cốm Bảo Minh 12 Hàng Than – Đặc sản độc đáo Thủ Đô
Cách làm bánh chưng truyền thống
Nguyên liệu làm bánh chưng (cho 5 chiếc)
- Nếp: 650g
- Đậu xanh bỏ vỏ: 400g
- Thịt ba chỉ heo: 300g
- Lá dong (có thể thêm lá chuối hoặc lá riềng tùy ý) để gói bánh.
Chuẩn bị nguyên liệu
Trước khi bắt tay vào làm bánh chưng, bạn phải tiến hành ngâm gạo nếp trước. Tốt nhất nên ngâm nếp qua đêm, hoặc ít nhất trong 4 tiếng đồng hồ.
Bạn cũng có thể nên ngâm nếp chung với lá riềng hoặc lá dứa (lá nếp) để gạo nếp có được màu xanh đẹp mắt, đồng thời cũng giúp cho nếp thơm hơn.
Đậu xanh đã cà vỏ, đem rửa sạch rồi cũng đem ngâm với nước trong vòng 4 tiếng hoặc để qua đêm.
Sơ chế nguyên liệu
Sau khi gạo nếp được ngâm xong, bạn đổ ra rổ và để cho ráo nước thì rắc thêm 1 đến 2 thìa muối vào và dùng tay trộn cho muối ngấm thật đều vào gạo nếp.
Với phần đậu xanh bạn cũng tiến hành tương tự như gạo nếp ở trên. Bạn đổ đậu ra cho ráo nước và trộn cùng với một chút muối và tiêu.
Tiếp đến, thái thịt thành những miếng nhỏ bằng 3 ngón tay rồi đem ướp thịt với muối, tiêu và đường.
Gói bánh
Để bánh chưng có hình vuông và đẹp hơn, bạn có thể chuẩn bị cho mình một chiếc khung hình vuông để làm khuôn nhé.
Tiếp đó, bạn xếp 4 chiếc lá dong lại. Xếp bằng cách gấp mép dưới lên trên rồi gấp tiếp mép bên trái qua để tạo đường nếp cho chiếc lá. Làm tương tự với 3 chiếc lá còn lại. Sau đó, bạn đặt 4 chiếc lá xuống dưới khuôn rồi đổ gạo nếp lên.
Rải đều gạo nếp ra 4 góc khuôn và tạo một phần lõm ở giữa. Cho phần đậu xanh lên trên, rồi tiếp đó gắp 2 đến 3 miếng thịt lên rồi lại đến một lớp đậu xanh. Tiếp theo, bạn trải thêm một lớp nếp lên trên phủ kín phần nhân đỗ và thịt, cố gắng sao cho lượng gạo nếp và đậu xanh ở phần trên và dưới đồng đều nhau.
Cuối cùng, bạn gói bánh chưng và dùng dây buộc lại. Lưu ý không nên buộc quá chặt vì trong quá trình nấu, bánh chưng sẽ còn nở ra nữa.
Xem thêm: Bánh Pía Hà Nội – Món bánh ngàn lớp
Luộc bánh chưng
Xếp bánh vào nồi lớn và đổ nước sao cho ngập mặt bánh. Để luộc một chiếc bánh cỡ nhỏ thì mất thời gian khoảng 5 tiếng, còn với những chiếc bánh chưng lớn hơn thì sẽ cần nhiều thời gian hơn.
Nếu sử dụng nồi áp suất, thời gian luộc bánh chưng sẽ được rút ngắn xuống, chỉ khoảng 1 tiếng. Cần chuẩn bị thêm một nồi nước sôi bên cạnh để khi nước trong nồi luộc cạn bớt thì có thể châm thêm nước vào kịp thời.
Khi luộc bánh chưng được nửa thời gian thì trở bánh lại và thay nước mới. Nếu không, bánh chưng sẽ bị sống và chín không được đều.
Sau khi bánh chín, vớt bánh ra rồi cho ngay vào nồi nước lạnh và ngâm trong khoảng 20 phút. Sau đó để cho bánh ráo nước rồi dùng vật nặng đè lên trên bánh để ép hết nước ra, giúp cho bánh chưng không bị nhão và có thể bảo quản được lâu hơn. Nên ép bánh trong khoảng 5 – 8 tiếng là hoàn thành.
Thành phẩm
Khi mọi công đoạn làm bánh đã hoàn tất, bạn có thể bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh. Lúc nào muốn sử dụng đến thì chỉ cần cho bánh vào lò vi sóng và hâm lại là đã có thể dùng được nhé!
Bảo Minh – Lưu giữ hương vị truyền thống Việt
Ngoài bánh chưng, Việt Nam còn nổi tiếng với nhiều loại bánh cổ truyền khác. Ẩm thực truyền thống Việt Nam không chỉ là một phần quan trọng của văn hóa, mà còn là một di sản quý giá được nhiều thế hệ lưu giữ và truyền bá.
Là một trong những thương hiệu gắn liền với việc lưu giữ và phát triển hương vị bánh kẹo truyền thống, Bảo Minh luôn cố gắng phát huy và giữ gìn những gì tinh túy nhất của ẩm thực Việt.
Với sứ mệnh lưu giữ hương vị truyền thống Việt, Bảo Minh không chỉ mang đến những món ăn ngon miệng mà còn là cầu nối giữa thế hệ trước và thế hệ sau, giữ được sự kết nối giữa văn hoá và ẩm thực.
Bảo Minh không chỉ nổi tiếng với những sản phẩm bánh kẹo truyền thống như bánh cốm, bánh chả, bánh pía, chè lam… Bảo Minh còn sản xuất thêm những dòng bánh kẹo mới hiện đại phù hợp với khẩu vị của nhiều khách hàng như bánh bông nhài, bánh Sandochi, bánh Gochiz…
Gọi ngay: 0936 445 616 để có thể mua được các sản phẩm của Bảo Minh nhé!